ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN ĐẢNG BỘ TP THỦ DẦU MỘT

Thứ hai - 11/09/2023 07:04
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một 75 năm hình thành và phát triển
(8/1948 - 8/2023)

Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một (nay là thành phố Thủ Dầu Một) gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ Dầu Một xưa và nay, trải qua nhiều lần chia cắt, sáp nhật và điều chỉnh địa giới hành chính. Hiện nay, thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Bình Dương, là thành phố phát triển năng động nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua 75 năm trưởng thành và phát triển, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thành phố Thủ Dầu Một lập lên những chiến công vang dội góp phần vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt thành tựu to lớn trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từng bước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Sự ra đời của Đảng chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, mở đường cho những thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam. Dưới ánh sáng của Đảng, tháng 8 năm 1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một[1] được thành lập ở xã Bình Nhâm. Đến cuối năm 1936, tỉnh Thủ Dầu Một có 04 chi bộ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1937, cả tỉnh có 09 chi bộ, trong đó có 02 chi bộ thị xã, số lượng đảng viên tăng lên không ngừng, trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Đến tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đã giành được chính quyền vào rạng sáng ngày 28 tháng 8 năm 1945. Thắng lợi của nhân dân Thủ Dầu Một trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước. Đó là thắng lợi của quá trình rèn luyện ý chí cách mạng, kiên cường, hy sinh của các tổ chức, lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó đã để lại bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, tạo điều kiện cho quân dân Thủ Dầu Một củng cố thực lực cách mạng cho cuộc kháng chiến tiếp theo của dân tộc.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư hiệu triệu kêu gọi đồng bào Nam bộ “Thà sống tự do còn hơn sống nô lệ”[2], nhân dân Thủ Dầu Một cùng nhân dân Nam bộ đoàn kết cùng với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền tiếp tục kháng chiến chống quân Pháp với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”[3].
Tháng 8/1948, căn cứ vào tình hình chính trị - xã hội, yêu cầu nhiệm vụ, địa hình của tỉnh Thủ Dầu Một, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ quyết định thành lập thị xã Thủ Dầu Một (tách ra từ huyện Châu Thành). Đồng chí Lê Sĩ Chuyên được cử làm Bí thư. Đảng bộ thị xã có trên 100 đảng viên, gồm 05 chi bộ Đảng: Xã Chánh Hiệp, xã Phú Cường, chi bộ Văn phòng Ủy ban, chi bộ lực lượng vũ trang, chi bộ công an.
Như vậy, từ năm 1948, địa bàn Thủ Dầu Một ngày nay thuộc 02 đơn vị hành chính và do 02 tổ chức Đảng lãnh đạo:
+ Huyện ủy Châu Thành do đồng chí Đổng Văn Tài làm Bí thư lãnh đạo các xã phía bắc gồm: Định Hòa, Tân An, Tương Bình Hiệp, Tân Định, Hòa Lợi, Phú Chánh, Phú Hòa, Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Vĩnh Trường, Chánh Phú Hòa và Tân Bình.
+ Thị ủy Thủ Dầu Một do đồng chí Lê Sĩ Chuyên làm Bí thư lãnh đạo ở các xã Chánh Hiệp, Phú Cường và 03 hộ trung tâm (hộ 1 thuộc ấp chợ Phú Cường, hộ 2 thuộc ấp Bộng Dầu - Phú Cường, hộ 3 là phần đất của ấp Chánh Phú Cường và Chánh Hiệp).
Từ năm 1949 -1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một ngày càng quyết liệt, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng bị bắt, hy sinh, nhiều cơ sở cách mạng phải rút vào hoạt động bí mật... Đảng bộ Thủ Dầu Một đã kiên trì, linh hoạt lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại các cuộc càn quét của địch, kiên trì bám đất, bám dân, xây dựng lại cơ sở và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ…Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, các địa phương phối hợp, kiềm chế và tiêu hao lực lượng địch khi quân ta mở chiến dịch lớn, quân dân Thủ Dầu Một chủ động mở mặt trận đường số 13 (đoạn từ Phú Long đến Bến Cát), đội du kích Chánh Hiệp và Phú Cường bí mật gây rối, đào đường, bắt xe,…Ngày 07 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Huyện ủy Châu Thành và Thị ủy Thủ Dầu Một đã tiếp nối khí thế tiến công lãnh đạo quân dân Thủ Dầu Một tấn công tiêu diệt bót Tương Bình Hiệp, Cầu Trệt, Phú Hữu, Suối Giữa…phối hợp với bộ đội đánh bót Cầu Định cách thị xã 10km, tấn công các đồn bót dọc Quốc lộ 13, đặc biệt là trận chiến bảo vệ căn cứ Truông Bồng Bông. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, rút hết quân Pháp về nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Từ 1954 - 1975, nhân dân Nam bộ nói chung và thị xã Thủ Dầu Một nói riêng lại tiếp tục đối phó với kẻ thù mới. Từ tháng 7 năm 1954, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ là trở lực chính ngăn cản sự lập lại hòa bình ở Đông Dương. Vì vậy, Đế quốc Mỹ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân Việt Nam”[4] và cuộc đấu tranh để chiến thắng kẻ thù này “cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”[5]. Tháng 8 năm 1954, Mỹ bắt đầu xâm lược miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Đế quốc Mỹ thực hiện các chiến lược chiến tranh tàn bạo, đồn dân lập ấp chiến lược, thực hiện chiến lược “tố cộng, diệt cộng”, xây dựng hệ thống nhà tù khắp nơi, tại huyện Châu Thành và thị xã Thủ Dầu Một có 02 trại giam lớn là khám đường Bình Dương và nhà tù Phú Lợi để giam cầm những chiến sĩ yêu nước, cách mạng… Đảng bộ thị xã tiếp tục lãnh đạo nhân dân Thủ Dầu Một, huyện Châu Thành đã quyết tâm đứng vững trên địa bàn, xây dựng và củng cố lực lượng, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (Cao trào Đồng khởi năm 1960 ở thị xã Thủ Dầu Một và huyện Châu Thành giành thắng lợi khá lớn, đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đi lên. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 ở thị xã, huyện Châu Thành thu được hiều thắng lợi vẻ vang về nhiều mặt, đã góp phần cùng toàn miền Nam làm lung lay ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ...). Vượt qua những khó khăn, dựa vào quần chúng để từng bước xây dựng, củng cố phong trào, bám đất, bám dân và lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Nhờ thế, căn cứ địa của cách mạng luôn tồn tại, từng bước áp sát cơ quan đầu não của địch. Cán bộ, đảng viên đã không ngại hy sinh, luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân góp phần tích cực vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đại thắng mùa xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Sau khi đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện những chủ trương mới của Tỉnh, từng bước sắp xếp lại cơ cấu hành chính, thị xã Thủ Dầu Một và huyện Châu Thành đã trải qua 02 lần chia tách, sáp nhập; lần thứ nhất vào tháng 8/1975, đến lần thứ hai vào tháng 12/1976 thị xã Thủ Dầu Một ngày nay chính thức được thành lập với Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời nhiệm kỳ 1976 - 1977 được Tỉnh ủy chỉ định gồm 21 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Hữu giữ chức Bí thư. Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một lần thứ I được tổ chức từ ngày 13/6/1977- 18/6/1977, đã triệu tập 80 đại biểu đại diện cho 331 đảng viên toàn Đảng bộ; Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 33 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Hữu được bầu giữ chức Bí thư.
Thực hiện đường lối đổi mới được Đại hội VI của Đảng (12/1986) đề ra và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần IV (1986). Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một đã cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng và không ngừng bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng bộ thị xã như: lần thứ IV (1986), lần thứ V (1989), lần thứ VI (1991), lần thứ VII (1996), lần thứ VIII (2000), lần thứ IX (2005), lần thứ X (2010), lần thứ XI (2015) và lần thứ XII (2020) và nhân dân thị xã Thủ Dầu Một đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của nhân dân tỉnh Sông Bé và cả nước. Hơn 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của “Miền Đông gian lao và anh dũng”, Đảng bộ và nhân dân thành phố Thủ Dầu Một đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa Thành phố phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện, trở thành Thành phố đầu tàu của cả Tỉnh, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định trong giai đoạn đầu của thế kỷ XXI, đó là:
Xác lập vững chắc cơ chế Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện về mọi mặt, chính quyền tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, qua đó, mọi chủ trương của Đảng bộ đều được tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán từ trên xuống và đạt hiệu quả khá cao. Các chỉ tiêu của Nghị quyết các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thị xã và Thành phố đều được thực hiện thành công, đi vào cuộc sống của nhân dân.
Tháng 11 năm 1996, Quốc hội ra nghị quyết chia tỉnh Sông Bé để tái lập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, một lần nữa thị xã Thủ Dầu Một lại trở thành tỉnh lỵ của Bình Dương. Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thủ Dầu Một đã thực hiện một bước thành công về phát triển kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc thực hiện chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”[6] của Tỉnh đã tạo điều kiện cho đầu tư trong nước và hợp tác kinh tế với nước ngoài tăng nhanh. Sự ra đời của một số khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh, trong đó có thị xã Thủ Dầu Một. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng phát triển “công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp”; phát triển lĩnh vực văn hóa -xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng lên; quốc phòng được củng cố, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là trong đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội tập trung, có chuyển biến tích cực; các đề án đề nghị công nhận đô thị Thủ Dầu Một là đô thị loại III; nâng 03 xã Định Hòa, Phú Mỹ, Hiệp An thành phường và mở rộng địa giới hành chính Thị xã, thành lập 02 phường mới là Hòa Phú, Phú Tân được phê duyệt. Thị xã Thủ Dầu Một cơ bản đáp ứng được các tiêu chí đối với đô thị loại II. Năm 2000, thị xã Thủ Dầu Một có 02 đơn vị là xã Tân An và Tương Bình Hiệp được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại hội Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2000-2005, với tinh thần “Dân chủ, trí tuệ, kỷ cương, đoàn kết”, sử dụng hiệu quả mọi lợi thế nguồn lực của địa phương, tập trung phát triển kinh tế với nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững; sau 05 năm (2000-2005), triển khai thực hiện nghị quyết, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thủ Dầu Một đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục tăng trưởng cao, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đã tổ chức thi công 417 công trình xây dựng cơ bản do thị xã Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư…Tạo điều kiện cơ bản để nâng cấp thị xã Thủ Dầu Một lên Thành phố sớm nhất.
Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2005- 2010 với mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa phù hợp với quy hoạch vùng; xây dựng và phát triển thị xã Thủ Dầu Một đến năm 2010 đạt tiêu chí đô thị loại II, thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương; phấn đấu xây dựng đô thị văn minh - hiện đại; bảo đảm giữ gìn đặc trưng của thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương. Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ cao, huy động mọi nguồn lực để thu hút đầu tư phát triển; thực hiện tốt các giải pháp để tăng nhanh tốc độ phát triển dịch vụ - thương mại, tạo cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững... Đến ngày 23/01/2007, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định công nhận thị xã Thủ Dầu Một là đô thị loại III; đủ điều kiện để phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Tỉnh theo quy định của Chính phủ, điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập phường thuộc thị xã Thủ Dầu Một, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.
Đại hội Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực và sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tạo chuyển biến đồng bộ, tích cực trên các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng, trọng điểm là công tác cán bộ. Năm 2012, thị xã Thủ Dầu Một được công nhận là thành phố Thủ Dầu Một (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 02/5/2012); năm 2014, Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại II (Thành phố trực thuộc Tỉnh) ngày 08/7/2014 theo Quyết định số 1120/2014/QĐ-TTg; năm 2015, Thành phố cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, công tác tổ chức bộ máy cán bộ được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đại hội Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục lãnh đạo phát triển kinh tế theo cơ cấu “Dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp”, tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thành phố theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển Thành phố nhanh, bền vững. Năm 2017, thành phố Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương (theo Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 06/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ); đến nay diện mạo đô thị ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thành phố đã thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tạo thế và lực vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới. Với những thành tựu trên, Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một được Tỉnh ủy Bình Dương tặng cờ công nhận là Đảng bộ đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu, giai đoạn 2015 - 2020; dẫn đầu thi đua khối huyện, thị xã, thành phố.
Đại hội Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp để duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố. Đảng bộ xây dựng quyết tâm, cách làm mới, ý chí mới, có những ý tưởng, sáng kiến toàn diện hơn để triển khai thực hiện đưa Thành phố phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh Bình Dương. Tập trung công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị; chú trọng thực hiện các hình thức trực tuyến trong cải cách hành chính; thực hiện mọi hình thức để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong thực hiện các dịch vụ công. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ...; kịp thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân… Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng Thủ Dầu Một theo định hướng văn minh đô thị, nhân ái, nghĩa tình. Năm 2020, Thành phố đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần 2) của Chủ tịch Nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thủ Dầu Một đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2015 đến năm 2019; Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một được Tỉnh ủy Bình Dương tặng cờ công nhận là Đảng bộ đạt thành tích đặc biệt xuất sắc tiêu biểu 03 năm liền 2019 - 2021.
Trong quá trình lãnh đạo Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một đã đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Tỉnh; sự quan tâm ủng hộ thường xuyên của các đồng chí nguyên là lãnh đạo của Tỉnh và Thành phố đang sinh sống trên địa bàn về định hướng phát triển của Thành phố.
Thứ hai, đảm bảo tính kế thừa, liên tục và năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người, bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định an ninh chính trị trong mọi tình huống; chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Thứ tư, chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện, tuyên dương các gương điển hình; đồng thời nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả. Phải thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ Thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt. Đánh giá, quy hoạch, bố trí đúng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu.
Thứ năm, tập thể Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy các thế hệ phải luôn đoàn kết, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết phải có giải pháp tích cực để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất, xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị hành chính của tỉnh Bình Dương.
75 năm xây dựng và trưởng thành, từ khi thành lập có khoảng 100 đảng viên đến nay Đảng bộ thành phố đã có 35 Chi, Đảng bộ cơ sở với hơn 9.000 đảng viên. Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân thành phố Thủ Dầu Một đạt được 75 năm qua là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Thành phố cũng như của Tỉnh những năm tiếp theo. Trước tác động lớn của xu thế thời đại như: Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang phát triển nhanh trên toàn thế giới; những nguy cơ tiềm ẩn từ các cuộc xung đột chính trị, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường; những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; sự chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch…Trong bối cảnh đó, Đảng bộ thành phố cần tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, khơi dậy tiềm năng và lợi thế, tăng cường sự đoàn kết thống nhất của của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tập trung khắc phục những hạn chế nội tại của địa phương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng và đưa Thành phố Thủ Dầu Một phát triển lên tầm cao mới, với điểm nhấn là khu vực trung tâm hành chính đô thị mới kết hợp với đô thị hiện hữu, nối kết với các đô thị khác trong vùng theo mô hình tập trung, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội; xây dựng Thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình xứng đáng với lịch sử của vùng đất - con người Đất Thủ anh hùng.
                                                                              
                                                                      
                                                                         
 

[1] Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập 12/1899 từ Sở tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa.
[2] Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một, Nxb Tổng hợp Bình Dương, năm 2000, Tr 58.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, Tr 534.
[4] Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một, Nxb Tổng hợp Bình Dương, năm 2000, Tr 93.
[5] Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một, Nxb Tổng hợp Bình Dương, năm 2000, Tr 93.
[6] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1975-2010), NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, Tr 322
 
 

Tác giả: TH Phú Lợi 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Truyền hình giáo dục
Văn bản mới

1360/PGDĐT

Ngày ban hành: 13/08/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Ngày ban hành: 13/08/2024

1080/PGDĐT

Ngày ban hành: 18/07/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở

Ngày ban hành: 18/07/2024

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

Thằm dò ý kiến

Bạn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào để thanh toán các khoản phí quy định của nhà trường?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay614
  • Tháng hiện tại6,412
  • Tổng lượt truy cập227,220
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây